MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI MÔN ĐỊA LÍ LỚP 9

Thứ tư - 20/04/2022 20:34
Qua nhiều năm đảm nhiệm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lí và đạt được những thành tích đáng ghi nhận tại trường THCS Kỳ Phương. Dưới đây là một số kinh nghiệm tôi xin được giới thiệu để đồng nghiệp tham khảo.
1. Yêu cầu đối với giáo viên khi nhận nhiệm vụ tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lí.
- Đầu tiên người giáo viên khi nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung và môn Địa lí nói riêng cần xác định đây vừa là một vinh dự vừa là một trách nhiệm trong công tác giáo dục.
Vinh dự vì nhà trường đã tin tưởng vào năng lực và khả năng của bản thân, vinh dự vì đây sẽ là cơ hội để bản thân mình thể hiện năng lực của mình, kiểm chứng năng lực, kiến thức bản thân trước một nhiệm vụ cao cả.
Trách nhiệm việc đảm nhiệm ôn thi một đội tuyển mà lại là đội tuyển Địa lí là một trách nhiệm lớn của bất kỳ một giáo viên nào. Trách nhiệm này luôn đặt lên vai người giáo viên không chỉ lần đầu bồi dưỡng mà cả những giáo viên có nhiều thành tích từ các năm trước. Việc nhận bồi dưỡng một đội tuyển nó luôn gắn với kết quả sau một kỳ ôn thi vất vả và nếu kết quả không thành công sẽ coi như phương pháp bồi dưỡng của mình chưa có hiệu quả hay những nỗ lực cố gắng, công lao của mình được xem như thất bại.
- Khi nhận nhiệm vụ ôn thi đội tuyển người giáo viên phải thể hiện sự quyết tâm cao và tin vào công tác ôn thi của mình, quyết tâm bằng nỗ lực cao nhất để giúp học sinh có lượng kiến thức đủ tự tin trước khi đi thi.
- Không ngần ngại khi học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp đặc biệt là những giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và có thành tích cao. Đồng thời tham khảo cả những giáo viên ôn thi mà đã thất bại để rút ra những bài học kinh nghiệm tránh lặp lại.
2. Thành lập đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lí.
 Tuyển chọn đội tuyển là khâu quan trọng quyết định chất lượng, là hạt nhân nòng cốt cho đội tuyển chẳng khác gì khâu “chọn giống của nhà nông”.
Để có được những học sinh trong đội tuyển trong quá trình dạy tôi luôn chú ý để tìm ra những hạt nhân sáng giá nhất, theo dõi các em trong quá trình học tập, qua các điểm kiểm tra, bài kiểm tra khảo sát,… tham khảo qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy các bộ môn xã hội và bộ môn tự nhiên, rồi gặp gỡ, động viên khuyến khích các em.
Ở bước này nếu chọn được đối tượng học sinh có năng lực tối với môn học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng sau này, từ đó người giáo viên có điều kiện để phát huy hết khả năng, thế mạnh về phương pháp bồi dưỡng và kiến thức cần truyền đạt cho học sinh, tạo động lực thúc đẩy trong quá trình bồi dưỡng.
 Nếu chọn đối tượng học sinh không có năng lực tốt với môn học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác bồi dưỡng và kết quả thi sau này.
Đối với môn Địa lí là môn học đặc thù vừa mang tính chất của khoa học tự nhiên vừa mang tính chất của khoa học xã hội vì vậy khi chọn đội tuyển để ôn thi giáo viên cần lưu ý đến yếu tố này.
Theo kinh nghiệm của bản thân tôi để có hiệu quả trong công tác bồi dưỡng và đạt kết quả trong kỳ thi thì khi lựa chọn cần quan tâm đến tiêu chí sau: Học sinh phải có tư duy phân tích, liên hệ (những em có năng lực học các môn tự nhiên khá trở lên thường làm tốt những yếu tố này) rất ít khi đội tuyển môn Địa lí lấy được những em học giỏi các môn tự nhiên vì những em này thường tham gia môn Toán, Lí, Hóa. Có những học sinh rất chăm chỉ, mong muốn vào đội tuyển nhưng tố chất tư duy, năng lực phân tích, liên hệ yếu thì chưa chắc đã đạt hiệu quả trong quá trình bồi dưỡng.
Khi thành lập đội tuyển nên lựa chọn số lượng nhiều hơn dự kiến tham gia thi khoảng 2-3 em để ôn thi sau đó có thể loại dần qua các bài kiểm tra. Việc làm này để giúp các em có động lực thi đua, cố gắng trong học tập.
Để lựa chọn học sinh có chất lượng phù hợp với việc ôn đội tuyển môn Địa lí giáo viên nên có các bài “test” với các dạng câu hỏi mang tính tư duy cao không nên sử dụng các câu hỏi học thuộc.
Ví dụ: Ở bài đặc điểm sông ngòi Việt Nam giáo viên nên ra câu: Tính chất nhiệt đới gió mùa của khí hậu Việt Nam thể hiện lên sông ngòi Việt Nam như thế nào? Thay vì ra dạng câu hỏi: Trình bày đặc điểm sông ngòi Việt Nam?
Với câu hỏi như trên những em biết phân tích mối quan hệ giữa đặc điểm khí hậu với sông ngòi sẽ là những em có tố chất thông minh, tư duy Địa lí cao.

3. Giáo viên thể hiện là người giúp đỡ nhiệt tình để các em tự tin và cảm thấy tin tưởng vào giáo viên trong quá trình ôn thi.
Đối với môn Địa lí việc lấy được đội tuyển đã khó đồng thời để giữ và truyền cảm hứng đam mê cho học sinh học lại càng khó hơn nên khi lập được đội tuyển giáo viên nên quan tâm đến một số vấn đề sau:
- Làm tốt công tác tâm lý đối với các em ngay từ buổi học đầu tiên: Đừng vội kỳ vọng ở các em mà đầu tiên giáo viên phải làm tốt công tác tâm lý tư tưởng cho các em để các em tự tin vào công tác ôn thi. Chẳng hạn như trao đổi với các em: “Thầy rất vui và cảm ơn vì c em đã tin tưởng và tham gia đội tuyển Địa lí của thầy”; “Các em đừng lo lắng về kiến thức chưa tốt của các em, thầy sẽ giúp các em có đủ kiến thức để tự tin trước khi lên đường đi thi”; “Sự lựa chọn và đồng hành của các em là động lực để thầy hoàn thành tốt nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển của chúng ta”….
- Luôn giữ đúng lịch hẹn ôn thi và đảm bảo thời lượng ôn thi: Việc giữ đúng lịch hẹn ôn thi (không chậm, nên dạy đúng giờ, hạn chế thay đổi lịch) điều này thể hiện sự chuyên nghiệp và xây dựng hình ảnh người thầy có trách nhiệm trong mắt học sinh.
- Giáo viên làm tốt công tác tư tưởng với học sinh và phụ huynh trong quá trình ôn thi để cùng phụ huynh hỗ trợ công tác ôn thi cho học sinh.
Giáo viên cần phải chú ý đến học sinh, thường xuyên động viên, gần gũi, quan tâm về các em và gia đình học sinh để nắm được tâm tư tình cảm đồng thời khích lệ các em cố gắng. Đây là một điều tưởng chừng không liên quan gì đến chuyên môn nhưng thực ra vô cùng quan trọng và hiệu quả. Chính những lời động viên kịp thời, sự khích lệ của giáo viên đã giúp học sinh cố gắng hết mình để học tập đạt kết quả cao.
Ngoài việc chú trọng cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng, tôi còn chú ý đến vấn đề khích lệ tinh thần cho học sinh. Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, mơ ước của các em.
Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, những khúc mắc trong cuộc sống, những biến đổi về tâm lí, tình cảm. Phối hợp với bạn bè, gia đình động viên để các em học tốt hơn.
 Phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các tổ chức  trong  nhà trường tạo điều kiện cả về  thời gian, vật chất và tinh thần cho các em khi tham dự đội tuyển.
 Đưa ra những gương điển hình đã từng đạt giải ở bộ môn mình đang dạy ở nhà trường hoặc ở các đơn vị trường bạn để động viện, khích lệ tinh thần học tập cho các em.
Kích thích lòng yêu thích môn học thông qua các buổi ngoại khóa bằng hình thức thi với những câu hỏi vui đem lại niềm say mê, sáng tạo đến với các em học sinh trong toàn khối.
- Đừng bao giờ chê trách học sinh khi các em chưa làm bài tốt mà thay vào đó hãy tìm cách động viên, giúp các em nhận ra những hạn chế của mình và giúp các em bổ sung để làm tốt những bài sau: Những em làm bài chưa tốt không nên nhận xét trước những em khác mà nên gặp riêng để trao đổi tạo điều kiện giúp em nỗ lực phấn đấu trong học tập.
4Lập kế hoạch bồi dưỡng.
Việc lập kế hoạch bồi dưỡng là điều không thể bỏ qua đối với bất kỳ giáo viên bồi dưỡng đội tuyển nào. Kế hoạch được lập dựa trên kế hoạch thi của Phòng giáo dục, hệ thống kiến thức cần bồi dưỡng và năng lực học sinh.
Thông thường kế hoạch bồi dưỡng môn Địa lí lớp 9 được chia thành các chuyên đề chính sau:
- Bồi dưỡng kiến thức nền (dạy lại nội dung kiến thức các bài, chương mà học sinh đã học trên lớp nằm trong hệ thống kiến thức thi) ở phần này giáo viên dành nhiều thời gian khắc sâu những nội dung chính, trọng tâm của mỗi bài học.
- Bồi dưỡng phần kỹ năng vẽ các dạng biểu đồ, nhận xét giải thích bảng số liệu, biểu đồ.
- Bồi dưỡng kỹ năng phân tích Át lát.
- Bồi dưỡng bằng hình thức luyện đề.
Căn cứ vào năng lực của học sinh ở từng phần để dành thời gian nhiều hay ít cho mỗi chuyên đề, trong đó chuyên đề Bồi dưỡng bằng hình thức luyện đề có thể thực hiện trong quá trình ôn mỗi chuyên đề khác nhằm kiểm tra kỹ năng làm bài, mức độ nắm kiến thức của học sinh.
5. Sưu tầm các dạng bài tập, các đề thi cho đội tuyển.
Ở bước này giáo viên có thể sử dụng công nghệ thông tin và Intenet để sưu tầm các tài liệu cần thiết đặc biệt là các đề thi của các địa phương khác. Việc cung cấp thêm tài liệu cho học sinh phải chọn lọc cho phù hợp tránh tình trạng “bội thực” tài liệu dẫn đến học sinh học không trọng tâm. Giáo viên cũng có thể sưu tầm, đọc thêm các sách tham khảo, sưu tầm các đề thi của những năm học trước cho các em làm đồng thời cung cấp tên các đầu sách cho các em tham khảo nếu cảm thấy cần thiết.
6. Tiến hành bồi dưỡng đội tuyển.
Xây dựng kế hoạch, lập thời gian biểu cho đội tuyển học sinh giỏi bồi dưỡng theo thời gian, địa điểm hợp lí. Trong những buổi ôn tổ chức cho các em ôn theo từng chuyên đề, giao bài tập vận dụng ngay sau khi ôn xong lí thuyết, tránh tình trạng ôn gấp rút hoặc ôn kiểu nhồi nhét kiến thức.
Tổ chức cho các em trao đổi theo nhóm để các em hợp tác và giúp đỡ nhau. Sau mỗi buổi ôn giáo viên giao bài tập về nhà cho các em trong đội tuyển, thu và chấm, đồng thời sửa sai cho các em.
Tranh thủ trong những buổi học chung của cả lớp, giáo viên đan xen những bài tập khó, gợi mở tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo của các em trong đội tuyển. Giáo viên giải đáp các thắc mắc, những bài tập khó cho các em trong giờ ra chơi hoặc cuối buổi học.
Thường xuyên kiểm tra sự chuyên cần học tập của học sinh trên lớp, ở nhà, đặc biệt là trong các buổi ôn luyện cho các em xem mức độ đáp ứng yêu cầu giáo viên đặt ra thông qua việc yêu cầu làm bài. Giáo viên chấm, sửa lỗi, trả bài một cách nghiêm túc, kịp thời chỉ ra cho các em những sai sót, cách giải quyết vấn đề, trình bày bài làm, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần cho các em. Thông qua viêc đánh giá chấm chữa bài giúp các em học sinh có nhận thức sâu sắc hơn về việc ôn luyện, làm bài, trình bày để làm bài thi đạt điểm cao. Đó cũng là những yếu tố rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng.
 Giáo viên có sổ theo dõi, ghi chép kết quả các bài kiểm tra của học sinh, gặp gỡ để nắm bắt các tình huống khi học sinh làm bài. Giáo viên chủ động liên lạc với gia đình để bố mẹ các em nắm được sự tiến bộ của từng em. Giáo viên tự rút ra bài học kinh nghiệm cho mình để thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi các khối khác và năm sau tốt hơn. Đúc rút kinh nghiệm để trao đổi với đồng nghiệp cùng tìm hướng giải quyết.
Việc tổ chức ôn thi giáo viên phải căn cứ vào thời điểm thi để ôn tập cho học sinh một các phù hợp để học sinh có được khả năng làm bài tốt nhất vào thời điểm thi tránh tình trạng ôn chậm dẫn đến gấp rút hoặc ôn thừa thời gian dẫn đến học sinh nhàm chán trong giai đoạn cuối của kỳ ôn.

7. Dạy học sinh hiểu và vận dụng làm bài một các sáng tạo thay vì dạy học sinh học thuộc.
Đối với môn Địa lí việc định hướng cách học rất quan trọng. Nhiều giáo viên xem môn Địa lí thuộc môn học xã hội nên thường yêu cầu học sinh phải học thuộc từng câu, từng chữ mà giáo viên đã dạy, cho ghi. Đây là một sai lầm trong cách dạy học nói chung và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Địa lí nói riêng vì cách dạy và học như vậy sẽ không phát huy được tư duy sáng tạo và năng lực của người học trái lại làm cho học sinh cảm thấy sức ép cực kỳ lớn và sẽ rất thụ động khi học sinh đi thi.
Môn Địa lí là môn học mang tính chất trung gian giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nên giáo viên chỉ cần giúp học sinh hình thành những mối liên hệ nhân quả trong Địa lí, hiểu được những vấn đề Địa lí tự nhiên, kinh tế - xã hội từ đó kết hợp với việc khai thác Át lát Địa lí để làm bài một các có hiệu quả nhất. Trong quá trình dạy yêu cầu học sinh chú ý các “từ khóa” của vấn đề từ đó bám vào từ khóa để phân tích và mở rộng kiến thức theo yêu cầu của câu hỏi.

8. Cho học sinh tham khảo, góp ý bài lẫn nhau đặc biệt là những bài có chất lượng tốt, khắc phục sửa chữa cho học sinh từng từ từng câu trong bài làm:  Trong quá trình chữa bài cho học sinh giáo viên cần quan tâm giúp học sinh có vốn từ của khoa học Địa lí để thay thế các “tối từ” mà các em đang dùng. Trong quá trình bồi dưỡng tôi gặp nhiều học sinh hiểu bài, có khả năng vận dụng tốt nhưng vốn từ các em còn ít nên không diễn đạt tốt trong quá trình làm bài, trình bày hoặc sử dụng những từ không đúng với khoa học Địa lí.
9. Làm quen với đề thi học sinh giỏi.
 Học sinh sau khi đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản trong từng chuyên đề Tôi đã lựa chọn cho các em làm các đề thi với lượng kiến thức vừa phải để xem khả năng của các em đang ở mức độ nào. Sau đó tôi nâng dần độ khó của các đề cho các em làm, đồng thời cho các em làm các đề mà tôi đã sưu tầm được trong những năm học trước…Đây cũng là cách giáo viên giúp cho học sinh tổng hợp được, khái quát các  kiến thức yêu cầu đối với học sinh giỏi.
Giáo viên cần rèn cho các em kỹ năng hoàn thiện, sự phản xạ với các đề, dạng đề… từ yêu cầu thấp đến yêu cầu cao để đón nhận các dạng đề mà người ra đề yêu cầu một cách bình tĩnh. Học sinh khi được tiếp nhận đề không rơi vào tình trạng bị động khi xem đề, dẫn đến bỡ ngỡ mất phương hướng hoang mang làm sai khi đọc đề.
10. Tổ chức thi vòng trường.
Phối hợp với các giáo viên cùng tham gia công tác bồi dưỡng tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức kì thi học sinh giỏi vòng trường để các em được làm quen với cách thức tổ chức hội đồng thi, không còn bỡ gỡ trong khi đi thi. Giúp các em làm quen với một kì thi nghiêm túc để rèn kỹ năng thi, phương pháp làm bài, phân bố thời gian để làm bài có hiệu quả. 
Khi ra đề ở Hội đồng thi vòng trường, giáo viên không nên ra đề với yêu cầu cao hoặc quá đơn giản để tránh các em rơi vào tình trạng tự mãn, chủ quan hoặc chán nản vì quá sức.
Sau khi hội đồng thi xong tổ chức chấm điểm, đánh giá kết quả bài thi. Thông qua kết quả bài thi, giáo viên chỉ ra cho các em những chỗ sai sót đã mắc phải trong bài thi, sửa cho các em để các em không mắc phải trong các kì thi tiếp theo, đồng thời chữa cho các em các bài tập mà các em chưa làm được.

 

 

Tác giả bài viết: Hoàng Văn Ninh

Nguồn tin: Tổ chuyên môn

 Tags: HDCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

 ALBUM ẢNH

  Liên kết website

 THỐNG KÊ

  • Đang truy cập14
  • Hôm nay880
  • Tháng hiện tại22,392
  • Tổng lượt truy cập888,867

 Trò giỏi Xứ Nghệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây